Category Archives: Uncategorized

Du lịch Việt với thị trường tiềm năng – khách Mỹ

Du khách Mỹ, thị trường đang được xem là tiềm năng với du lịch Việt Nam, nhưng dường như chúng ta chưa đủ “chuẩn bị” để khai thác tốt thị trường này…

Mỹ là một thị trường đầy tiềm năng để các doanh nghiệp Việt Nam khai thác Mỹ là một thị trường đầy tiềm năng để các doanh nghiệp Việt Nam khai thác

Thống kê 7 tháng đầu năm 2011, lượng du khách Mỹ đến Việt Nam là 273.430 lượt chiếm 102,5% so cùng kỳ năm 2010. Tuy số lượng có ít hơn so với du khách đến từ Trung Quốc hay Hàn Quốc nhưng đây lại là đối tượng chi tiêu nhiều hơn khi lưu trú. Trung bình một du khách người Mỹ chi trả khoảng 200 USD/ngày. Họ thường chọn ở tại những khách sạn sang trọng có chất lượng phục vụ cao cấp. Nhờ đó mà khoản lợi nhuận mà ngành Du lịch thu về sẽ gia tăng.

Người Mỹ, rất coi trọng việc học hỏi kiến thức, nâng cao hiểu biết về nơi đến du lịch và coi trọng cảnh quan thiên nhiên hoang sơ trong những chuyến đi. Do đó, với những tài nguyên du lịch nhân văn và sinh thái sẵn có, Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu mở rộng thị trường với đối tượng này. Thói quen hiếm khi đi du lịch lẻ mà thường đi cùng gia đình, bạn bè của du khách Mỹ cùng với việc gần đây nước ta có nhiều hợp tác kinh tế, thương mại với Hoa Kỳ tạo nhiều cơ hội để nâng cao số lượng du khách Mỹ đến Việt Nam.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế đó, ngành Du lịch nước ta vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết mới có thể thu hút được thị trường tiềm năng này. Trước hết là vấn đề an toàn, an ninh trong du lịch. Hầu hết du khách người Mỹ đều coi trọng tình hình an ninh trật tự xã hội tại nơi đến. Họ mong muốn đến những nơi không xảy ra tình trạng cướp bóc, chèo kéo, lừa gạt… mà đây lại là những vấn đề cố hữu mà ngành Du lịch Việt Nam vẫn chưa thể giải quyết triệt để.

Từ nhu cầu sử dụng dịch vụ cao cấp của du khách Mỹ cho thấy, nước ta còn thiếu nhiều hệ thống nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí, dịch vụ cao cấp để khai thác lợi nhuận từ các đối tượng này. Nhất là hiện nay khi chúng ta đang mở rộng hợp tác thương mại với Hoa Kỳ, nên có nhiều doanh nhân, nhà đầu tư Mỹ đến Việt Nam nhằm tìm kiếm cơ hội đầu tư, khảo sát thị trường. Đây là đối tượng khách du lịch mice đầy triển vọng cần được khai thác tốt.

Du khách từ Mỹ cũng thường có nhu cầu mua sắm hàng lưu niệm và chi tiêu nhiều vào các hoạt động vui chơi giải trí, thế nhưng, sản phẩm du lịch ở nước ta vẫn còn khá nghèo nàn cả về số lượng lẫn chất lượng. Quanh đi quẩn lại cũng chỉ hàng thủ công mỹ nghệ, thổ cẩm… Còn những những nơi giải trí nhất là vào ban đêm, thời điểm những du khách người Mỹ thích ra ngoài đi dạo thì cũng rất khiêm tốn và đơn điệu.

Do đó, du lịch Việt Nam đối với thị trường du khách Mỹ rơi vào tình trạng có cầu nhưng lại thiếu cung, dẫn đến việc không khai thác được hết thế mạnh tự nhiên của mình. Với nguồn tài nguyên du lịch sẵn có cùng với điểm nhấn là sự thân thiện, mến khách của đa số người dân và chính sách phát triển của Nhà nước, nước ta cần có chiến lược cụ thể nhằm thu hút những du khách có khả năng chi trả cao như du khách Mỹ.

Nhiều “nhà tour” cho rằng, chúng ta đang thiếu hẳn cơ sở hạ tầng, vật chất cao cấp phục vụ du lịch, kể cả những chương trình tham quan, nghỉ ngơi có chiều sâu và bổ ích, xử lý triệt để những hiện tượng, hành vi để lại ấn tượng xấu đối với du khách như cướp giật, lừa gạt, chèo kéo…

Hiện nay, ngành Du lịch Việt Nam đang đẩy mạnh quảng bá thương hiệu trên nhiều phương tiện truyền thông, internet. Nhưng theo một điều tra cho thấy, 81% du khách Mỹ chọn địa điểm du lịch theo lời khuyên từ bạn bè, người thân và thường không tin cậy nhiều vào những lời giới thiệu từ internet, các phương tiện quảng cáo…

Thiết nghĩ, làm sao để tập trung xây dựng được hình ảnh tốt trong mắt du khách bằng thực tế sẽ hiệu quả hơn việc quảng bá rầm rộ nhưng lại khiến du khách mất lòng tin khi đến nơi và không muốn quay lại.

Đăng tin: Văn Lâm

Nguồn tin: Thanh Tra

Du lịch cũng cần đăng ký bảo hộ

Một buổi họp mới đây quanh việc Công ty Du lịch Thế Hệ Trẻ khiếu nại một công ty du lịch khác có chi nhánh tại TPHCM dưới sự “phân xử” của Hiệp hội Du lịch TPHCM đặt ra những vấn đề đáng lưu tâm.

Lãnh đạo Công ty Thế Hệ Trẻ bức xúc bởi tour khám phá Đông Bắc được xem là độc quyền mà công ty này bỏ kinh phí, công sức khai phá nhưng khai thác chưa bao lâu đã bị “cướp” mất. Chương trình tour của hai công ty có nhiều chi tiết giống nhau đến từ ngày, giờ, nơi ăn chốn ở…, giống cả lời văn, lỗi chính tả. Đáp lại, lãnh đạo công ty du lịch bị tố cho rằng sản phẩm du lịch không thể độc quyền; các tuyến điểm, lộ trình trong tour giống nhau là bình thường. Thậm chí, vị này còn cho rằng “chưa biết ai đạo ai?”…

Cũng chính vì sản phẩm du lịch mang tính đặc thù, các địa danh nổi tiếng, danh lam thắng cảnh… là tài sản chung của toàn xã hội nên chuyện sao chép tour “rõ như ban ngày” nhưng ngay cả Hiệp hội Du lịch, Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch TPHCM cũng không thể làm “trọng tài” phân xử bởi thiếu luật.

Trong khi đó, nạn “xào nấu, sao chép” tour lẫn nhau đã trở thành tình trạng phổ biến trong ngành du lịch. Nhiều công ty du lịch nói rằng để có một tour mới lạ, hấp dẫn và “không đụng hàng” cần thời gian đi thực tế, đầu tư kinh phí, khảo sát… Thế nhưng, có khi “đứa con” chưa thành hình hài đã bị người khác “cướp” trên tay giống như câu chuyện “cốc mò, cò xơi”. Thậm chí, chương trình tour vừa đưa lên mạng quảng bá, khách chưa kịp đọc đã có nhân viên của công ty du lịch khác chép về rồi làm thành chương trình tour của họ…

Lãnh đạo Phòng Lữ hành Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch TPHCM cũng ngán ngẩm khi nhắc đến chuyện này. “Mỗi lần nhận chương trình tour mới từ các hãng lữ hành, đọc qua một lượt là thấy buồn vì nhiều tour cứ hao hao giống nhau, thiếu sự khác biệt…”- vị này chia sẻ…

Nhiều công ty du lịch cho rằng: Đã đến lúc ngành du lịch cần có quy định bảo vệ đơn vị sáng tạo ra các tour mới, tour độc đáo. Chẳng hạn, một hãng lữ hành khi có tour mới không đụng hàng có thể đăng ký bảo hộ, khai thác trong một thời gian nhất định rồi các công ty khác mới được quyền “nhảy” vào. Đồng thời, các biện pháp chế tài đối với các đơn vị sao chép tour của người khác cũng cần được áp dụng, nếu không, với các sản phẩm du lịch “sao qua chép lại” ngành du lịch sẽ tự giết mình vì mất khách

Đăng tin: Văn Lâm

Nguồn tin: Lao Động

Cần bảo vệ du khách song song với quảng bá

Dinh Thống Nhất là một điểm đến thú vị đối với nhiều du khách khi đến TP.HCM. Ảnh: BÁ HUY

Dinh Thống Nhất là một điểm đến thú vị đối với nhiều du khách khi đến TP.HCM. Ảnh: BÁ HUY

Dù được đánh giá cao về ý tưởng tổ chức nhưng theo một số doanh nghiệp lữ hành, việc bình chọn TP.HCM – 100 điều thú vị phải đi đôi với việc mở rộng quảng bá và bảo đảm an toàn cho du khách.

Chương trình bình chọn TP.HCM – 100 điều thú vị chưa được nhiều doanh nghiệp (DN) du lịch quan tâm dù nó ra đời nhằm mục đích quảng bá du lịch TP.HCM. Theo các DN, để cuộc bình chọn thực sự hiệu quả và có tác động dài lâu, ban tổ chức cần đưa thêm nhiều giải pháp khoa học hơn. Sau bài bầu chọn TP.HCM – 100 điều thú vị lần hai: Rắc rối chọn điều thú vị (Pháp Luật TP.HCM ngày 20-12), đại diện nhiều DN lữ hành đã gửi đến Pháp Luật TP.HCM những góp ý khá thiết thực cho chương trình.

Dẹp tệ nạn cướp giật

Theo ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty Dã ngoại Lửa Việt, việc xây dựng chương trình bình chọn TP.HCM – 100 điều thú vị là một nỗ lực tốt của các ban, ngành TP. Dù vậy, nếu xét tổng thể thì cách làm này chưa khoa học nên ít được DN quan tâm.

Đầu tiên là vấn đề các điểm đến: Nếu muốn DN lữ hành đưa khách đến thì phải có “hoa hồng” cao cho họ. Trong khi đó, các điểm đến được bình chọn chưa chắc sẽ giải quyết được vấn đề trên. Cho nên khi vẫn còn vướng rào cản “hoa hồng”, điểm đến được bình chọn ấy dẫu hay cách mấy cũng chưa chắc sẽ đón nhiều khách.

Cũng theo ông Mỹ, một vấn đề đáng quan tâm khác hiện nay là chuyện an toàn cho du khách. Nạn cướp giật đang hoành hành khiến nhiều du khách bất an khi đến TP.HCM. Nếu bình chọn quảng bá có tốt đến đâu mà không giải quyết mạnh tay vấn nạn cướp giật tài sản du khách thì sẽ rất khó khiến khách quay trở lại. Ông Mỹ nói thêm riêng các tiêu chí bình chọn và kết quả bình chọn vẫn chưa thống nhất. Đơn cử như ở cuộc bình chọn lần một: Bánh mì thịt được bình chọn nhưng đây không phải là món ăn đặc sản của Sài Gòn.

Còn theo ông Trần Văn Long, Giám đốc Công ty Du lịch Việt, muốn chương trình thành công cần có sự đầu tư chu đáo hơn. Hiện tại dù có sự tham gia của các DN nhưng đây vẫn là một sự kiện do cơ quan quản lý nhà nước tổ chức. Vậy nên, ngoài sự bình chọn của du khách nên mở rộng cho các DN du lịch lớn nhỏ ở TP.HCM tham gia bầu chọn bởi họ là những người nắm bắt nhu cầu của khách nên có thể quyết định nên đưa khách đến điểm nào. Ông Long cũng cho rằng cần giải quyết triệt để nạn cướp giật đang làm đau đầu các DN du lịch.

Cần tăng cường quảng bá

Ông Bùi Thanh Phương, Giám đốc Công ty Du lịch Vietnam Destination, gợi ý ban tổ chức nên mở rộng kênh quảng bá sao cho tập trung vào các mục tiêu cụ thể và cố gắng để mức lan tỏa rộng hơn. Nếu cuộc bình chọn dành cho cả khách nước ngoài thì phải có giải pháp bình chọn sao cho hợp lý để mọi du khách đều có thể tham gia; sau khi bình chọn, du khách dễ dàng tiếp cận các điểm đó, các món ăn đó. Ông Phương lưu ý cuộc bình chọn nên nhắm vào các thị trường trọng điểm, nơi có khả năng thu hút du khách có tiền để họ biết rằng họ hoàn toàn có thể đến tiêu xài ở Việt Nam.

Về hiệu quả của chương trình lần này, đại diện nhiều DN lữ hành bày tỏ họ cũng không đặt quá nhiều kỳ vọng vào đó, cũng như cuộc bình chọn trước đây. Theo bà Nguyễn Thị Hoa Lệ, Giám đốc Công ty Du lịch Hòa Bình, với những gì đang diễn ra, chương trình sẽ không tác động nhiều đến ngành du lịch. Điều này có thể thấy rõ qua kết quả cuộc bình chọn trước: Có rất ít điểm đến còn được nhớ thậm chí có khá nhiều điểm hay các món đặc sản không được DN biết đến. Nguyên nhân chính là việc quảng bá quá yếu khiến du khách và cả DN không biết hoặc không quan tâm.

Cũng theo ông Bùi Thanh Phương, đây có lẽ chỉ là sân chơi dành cho các DN lữ hành lớn. Hầu như các DN du lịch nhỏ không biết nhiều về cuộc bình chọn cũng như không nhận được thông báo từ ban tổ chức. Thật ra chính các DN nhỏ cũng là một kênh quảng bá khá tốt vì không ít DN dù nhỏ nhưng phát triển mảng kinh doanh nước ngoài rất mạnh.

Theo ông Trương Hoàng Phương, Giám đốc tiếp thị Công ty Vietmark, cần có sự hậu kiểm, đánh giá tác động của chương trình đối với từng điểm đến. Với những điểm đến được bình chọn, nên so sánh lượng khách trước và sau đó, xem chất lượng phục vụ có tốt như ban đầu… để từ đó rút kinh nghiệm cho những cuộc bình chọn sau. Nếu tổ chức đánh giá, đưa ra tiêu chí và có hậu kiểm tốt thì chắc chắn cuộc bình chọn sẽ thổi thêm luồng sinh khí tốt cho ngành du lịch TP.

Các hãng lữ hành băn khoăn về Đại sứ du lịch

Nghệ danh Lý Nhã Kỳ đã giống tên của diễn viên Hong Kong, Trung Quốc nên khó giúp ngành du lịch Việt Nam tiếp thị hình ảnh với khách quốc tế là ý kiến của ông Phan Đình Huê – Giám đốc Công ty du lịch Viet Circle.

Ông Robert Tan, chuyên gia du lịch người Singapore –người có nhiều năm gắn bó với Việt Nam, nhận xét: “Ngành du lịch nhiều quốc gia gần đây đã chọn các ca sĩ, diễn viên Việt Nam làm đại sứ cho du lịch nước mình với mong muốn thông qua sự nổi tiếng của nghệ sĩ này sẽ thúc đẩy du khách Việt đến với đất nước của họ”. Các ví dụ được chuyên gia này đưa ra gồm ca sĩ Mỹ Linh làm đại sứ cho du lịch Hàn Quốc, ca sĩ Hồng Nhung là đại sứ của du lịch Malta…

“Có thể vì thế mà du lịch Việt Nam đã nóng ruột muốn tìm một ai đó để làm đại sứ?”, ông Tan đặt vấn đề.

Tại nhiều quốc gia khác, việc chọn các nhân vật nổi tiếng làm hình ảnh quảng bá cho du lịch cũng khá phổ biến. Chẳng hạn, đại diện hình ảnh của du lịch Hong Kong là siêu sao điện ảnh Thành Long; Nhật Bản có thời từng chọn biểu tượng cực kỳ dễ thương được mọi người biết tới là mèo Hello Kitty … Tuy nhiên, cũng có quốc gia không tìm đại sứ toàn cầu cho ngành du lịch mà chọn cho từng thị trường cụ thể.

Đại diện Tổng cục Thái Lan (TAT) tại TPHCM cho biết: “Chúng tôi chọn đại sứ cho một thị trường nào đó nếu thật sự muốn thúc đẩy tăng trưởng. Ví dụ như thị trường Ấn Độ rất tiềm năng, những người giàu có thể mời cả 1.000 khách đi máy bay qua Thái tổ chức đám cưới và mua sắm, vui chơi… Nên chúng tôi chọn một diễn viên nổi tiếng của Bollywood làm đại sứ. Hay thị trường Malaysia cũng vậy. Còn để chọn một đại sứ du lịch quốc gia mang tính toàn cầu rất khó, bởi mỗi thị trường có những đặc thù khác nhau”.

Về việc chọn diễn viên Lý Nhã Kỳ làm Đại sứ du lịch Việt Nam, ông Phan Đình Huê, giám đốc Công ty du lịch Viet Circle nói: “Ban đầu tôi cứ nghĩ là diễn viên nào đó đến từ Hồng Kông, Trung Quốc. Như vậy, hình ảnh Lý Nhã Kỳ khó tiếp thị đúng mục tiêu thu hút khách quốc tế vốn rất đa dạng của du lịch Việt Nam”.

Ông này cho rằng, nếu cần một người đẹp để làm các công việc tiếp tân, đón khách quốc tế nhằm gây sự chú ý cho quan khách thì đây là lựa chọn phù hợp; còn làm đại sứ cho hình ảnh du lịch quốc gia thì chưa. “Ngoài ra, liệu Lý Nhã Kỳ có phải là cô gái am hiểu thực sự du lịch Việt Nam và du lịch thế giới để làm được công việc quảng bá?”, ông Huê băn khoăn.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – đại diện Fiditour, cho rằng ngành du lịch quyết định một sự việc liên quan đến hàng nghìn hãng lữ hành đang hoạt động ở Việt Nam mà không có bất kỳ tham khảo ý kiến nào. Theo bà Mai, việc không lấy ý kiến các công ty du lịch chắc chắn cho ra một kết quả bình chọn phiến diện.

“Nếu đã chọn Lý Nhã Kỳ làm đại sứ, thì nên cho các hãng lữ hành biết các kế hoạch và chương trình quảng bá du lịch Việt Nam dựa vào hình ảnh cô ấy như thế nào? Cô ấy sẽ quảng bá những gì trong thời gian tới? Cũng nên cân nhắc tới việc scandal mà cô ấy gây ra có ảnh hưởng gì tới nhìn nhận của du khách quốc tế về danh tiếng của du lịch Việt Nam hay không? Tuy nhiên, theo tôi, điều quan trọng nhất của du lịch Việt Nam lúc này là bằng mọi cách giữ chân du khách trong nước đi du lịch nội địa, chứ ngày càng có nhiều người chọn nước ngoài làm điểm đến mà bỏ qua Việt Nam”, ông Robert Tan bổ sung.

Trả lời về những tranh cãi xung quanh việc lựa chọn Lý Nhã Kỳ cũng như không tham khảo ý kiến các công ty lữ hành, ông Trần Nhất Hoàng – Giám đốc Trung tâm xúc tiến Văn hóa Thể thao Du lịch cho biết, để tìm ra câu trả lời thỏa đáng rất khó. “Rất nhiều nơi dùng phương pháp vote nhưng chỉ mang tính chất thăm dò, còn việc quyết định vẫn thuộc vào một hội đồng. Ngay kể cả các trò chơi âm nhạc cũng vậy. Nếu chúng ta cũng dùng hình thức vote thì tôi e qua đợt bầu chọn Vịnh Hạ Long cũng chưa tìm ra người làm Đại sứ”, ông Hoàng nói.

Còn ông Phan Xuân Anh, Giám đốc Công ty du lịch Du ngoạn Việt cho rằng việc có hay không có đại sứ du lịch thời điểm này là không quan trọng. Ngành du lịch nên tập trung hơn cho quảng bá bằng cách xác định thị trường trọng điểm và “đánh” thẳng vào đó, chứ không nên dàn trải. “Ngành du lịch nên ‘bớt’ các hoạt động bề nổi để tập trung vào những hoạt động chiều sâu, như hạn chế tình trạng chèo kéo, ăn xin, cướp giật…”, ông Anh bình luận.

Đăng tin: Văn Lâm

Nguồn tin: VnExpress